Sự phát triển của kinh tế xã hội đã trực tiếp ảnh hưởng đến xu hướng ngành nghề của GenZ. Để đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngành giáo dục đã đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho các bạn học sinh THPT.
Tuy nhiên, hiệu quả thực tế chưa cao, định hướng nghề nghiệp từ sớm chưa phải là sự ưu tiên hàng đầu của các bạn học sinh.
Vai trò của nhà trường trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh
Thực tế hiện nay, việc người học không nắm được điểm mạnh và năng lực của bản thân là điều phổ biến. Học sinh chưa nắm được những kiến thức về ngành học; xu hướng phát triển của nhóm ngành và sau khi ra trường của nhóm ngành đó ra sao. Điều này nguy cơ dẫn tới hệ lụy khá lớn.
Theo khảo sát của Bộ GD&ĐT, 65,4% sinh viên (SV) năm thứ nhất chưa hiểu hết về mục đích, ý nghĩa của ngành học; 50,8% không biết học xong sẽ làm việc gì và nơi nào tuyển dụng họ; 75,6% SV ít thỏa mãn với nghề đã chọn, học rồi mới thấy không hợp; 32,4% SV muốn được thi lại vào năm sau.
Đây là những con số đáng báo động về thực trạng học sinh chưa được định hướng rõ ràng từ khi học THPT, khiến tỷ lệ sinh viên bỏ học giữa chừng để học lại ngành khác gia tăng và gián tiếp nâng tỷ lệ thất nghiệp sau khi ra trường tại Việt Nam tăng cao.
Theo bà Vũ Thương, Giám đốc Sconnect Academy: “Đối với vai trò của nhà trường công tác hướng nghiệp cần được tổ chức thường xuyên và kịp thời hơn. Hình thức tiếp cận tư vấn cũng cần nghiên cứu và đề xuất để tạo sự mới mẻ, thu hút và dễ dàng tiếp nhận hơn.
Các em cần hiểu đúng về năng lực, sở thích, tính cách cá nhân, đam mê để có thể xác định đúng định hướng nghề nghiệp. Việc định hướng sớm sẽ giúp hạn chế tình trạng “ngồi nhầm lớp, nhầm chỗ” và “chọn đại cho xong”
Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 xác định mục tiêu chung của công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là “Tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế”.
Hướng nghiệp sớm cho học sinh THPT là điều cấp thiết
Khái niệm “hướng nghiệp” đã dần trở nên phổ biến những năm gần đây, tuy nhiên để hướng nghiệp đúng thời điểm và đúng đối tượng, đúng ngành nghề thì chưa có nhiều đơn vị làm tốt điều này.
Hiện nay, với sự chuyển biến không ngừng về nhu cầu nguồn nhân lực trên thị trường cộng với sự biến động của tình hình kinh tế- xã hội, tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành hoặc sinh viên thất nghiệp ngày càng gia tăng đã dấy lên hồi chuông báo động về tầm quan trọng của việc định hướng cho học sinh THPT.
Theo khảo sát các trường học trên địa bàn Hà Nội, gần 50% học sinh được hỏi không biết chọn ngành, nghề phù hợp; hơn 40% học sinh không biết mình thích gì, giỏi gì và 77% mong muốn được tư vấn chọn nghề phù hợp với năng lực bản thân.
Thời điểm hướng nghiệp lý tưởng nhất dành cho học sinh là những năm cuối lớp 9 và đầu lớp 10.
Theo PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền – Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học quản lý giáo dục thuộc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng: Quy trình định hướng phát triển nghề nghiệp là một vòng lặp bắt đầu từ: Nhận thức bản thân - nhận thức về thế giới nghề nghiệp, khám phá cơ hội phù hợp - lập kế hoạch nghề nghiệp.
Các chương trình hướng nghiệp hiện nay đã có những sự đổi mới về phương thức tiếp cận như các chuỗi Ngày hội học sinh, các chương trình SchoolTour được nhân rộng và phổ biến tại nhiều điểm trường THPT, THCS đã mang tới cơ hội cho các em học sinh được tiếp cận với doanh nghiệp, trải nghiệm ngành nghề, gia tăng kiến thức thực tế trên thị trường lao động hiện nay.