22-10-2024
Anatomy là một thuật ngữ phổ biến trong nghệ thuật, đặc biệt là trong thiết kế nhân vật hoạt hình. Cùng tìm hiểu lý do vì sao các bạn sinh viên phải học anatomy trong chương trình học của SAMA nhé!
Anatomy là gì?
Anatomy - giải phẫu học - theo cách hiểu cơ bản nhất, là việc nghiên cứu về cấu trúc của các cơ quan trong cơ thể sinh vật, đặc biệt là con người. Nó bao gồm việc phân tích cấu tạo xương, cơ bắp, khớp và cách các yếu tố này tương tác với nhau để tạo nên chuyển động của cơ thể.
Giải phẫu cơ thể người trong nghệ thuật không phải lúc nào cũng đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối như trong y khoa, mà thay vào đó tập trung vào việc hiểu và sử dụng cấu trúc cơ bản để tạo nên tỉ lệ và sự chuyển động hợp lý, góp phần thể hiện cảm xúc của nhân vật.
Tầm quan trọng của anatomy trong phim hoạt hình
Anatomy tạo nhân vật chân thực và sinh động
Hiểu rõ anatomy giúp các nghệ sĩ hoạt hình tạo ra các nhân vật có tính chân thực và sinh động hơn. Một nhân vật không vẽ không theo cấu trúc, tỉ lệ giải phẫu đúng sẽ thiếu tự nhiên, phi thực tế và làm mất đi sự hấp dẫn của tác phẩm. Nhân vật khi bị méo mó, không cân xứng hoặc cử động một cách không hợp lý dễ khiến khán giả bị mất mạch cảm xúc, cảm thấy khó hiểu hoặc bị “lệch” khỏi thế giới tưởng tượng mà người nghệ sĩ đang cố gắng xây dựng.
Chẳng hạn, một cú nhảy của nhân vật không chỉ đơn giản là một hành động, mà còn chứa đựng sự tính toán tỷ lệ giữa trọng lực và sức mạnh cơ bắp. Nhờ vào kiến thức giải phẫu, các nghệ sĩ có thể tạo ra các chuyển động tự nhiên, điều này càng tạo sự kết nối mạnh mẽ giữa người xem và tác phẩm.
Tạo cảm xúc và câu chuyện qua cử chỉ
Trong hoạt hình, cử chỉ và chuyển động của nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải cảm xúc và câu chuyện. Một nhân vật có thể không cần lời nói nhưng vẫn thể hiện rõ ràng cảm xúc của mình thông qua cách cơ thể họ cử động. Việc hiểu anatomy sẽ giúp nghệ sĩ thể hiện điều này một cách hiệu quả hơn.
Để diễn tả một nhân vật đang buồn, nghệ sĩ cần biết cách làm thế nào để vai trễ xuống, lưng cong lại và đầu cúi xuống một cách tự nhiên, tạo cảm giác nhân vật đang trải qua sự nặng nề về tâm lý. Mọi cử động của nhân vật đều dựa trên nguyên tắc anatomy.
Hỗ trợ thiết kế trang phục và phụ kiện
Anatomy không chỉ giới hạn trong việc vẽ cơ thể, mà còn liên quan đến cách trang phục, phụ kiện và vũ khí tương tác với nhân vật. Để vẽ hoặc tạo hình một nhân vật trong trang phục chiến đấu hoặc một người mặc váy dài, nghệ sĩ cần phải biết cách trang phục rơi xuống cơ thể và di chuyển theo từng bước đi như thế nào. Chỉ khi nắm vững kiến thức giải phẫu, người nghệ sĩ mới tạo được thước phim sống động như ngoài đời thực.
Đảm bảo nhất quán về cử động và phong cách của nhân vật
Trong quá trình sản xuất phim hoạt hình, một nhân vật có thể phải xuất hiện trong nhiều bối cảnh, không gian với các góc quay, ánh sáng và cử động khác nhau. Anatomy giúp nghệ sĩ duy trì sự chính xác trong từng chi tiết cơ thể, từ kích thước, tỷ lệ cho đến cách nhân vật di chuyển để duy trì sự nhất quán về phong cách và cử động của nhân vật.
Đảm bảo tính hợp lý trong sáng tạo nghệ thuật
Trong hoạt hình, nhân vật thường là sản phẩm của trí tưởng tượng với những hình dạng, kích thước khác xa so với thực tế. Chẳng hạn như khi thiết kế một con quái vật có ba đầu, tám chân, chỉ người nghệ sĩ hiểu rõ anatomy mới biết cách làm sao để các đầu và chân này hoạt động hài hòa với nhau mà không tạo ra cảm giác vô lý. Nhờ kiến thức giải phẫu, họ có thể thêm vào những yếu tố phi thực tế nhưng vẫn tạo ra chuyển động và hình dáng thuyết phục.
Cách học anatomy nghệ thuật để áp dụng thành công vào các dự án
Trong chương trình đào tạo Media Arts của Học viện Đào tạo Hoạt hình Quốc tế Sconnect, sinh viên được học môn anatomy ngay từ học kỳ I với các nội dung như: Yếu tố giải phẫu và tỷ lệ cơ thể người; các điểm mốc giải phẫu trên cơ thể; nghiên cứu biểu cảm của cảm xúc… từ đó thực hành vẽ croquis, vẽ anime đơn giản hóa các yếu tố giải phẫu phức tạp…
Để học anatomy, sinh viên ngoài giờ học trên giảng đường cần chủ động tham khảo thêm các đầu sách hướng dẫn về giải phẫu, nghiên cứu cơ thể con người. Bạn có thể tham khảo các bước học tập sau đây:
Bước 1: Học anatomy từ việc nghiên cứu hình ảnh thực tế
Bước đầu tiên trong việc học anatomy là quan sát và nghiên cứu các hình ảnh thực tế. Sinh viên cần phân tích cơ thể con người và động vật, từ cấu trúc xương, cơ bắp đến cử động của các khớp. Sử dụng các mô hình giải phẫu 3D hoặc sách giải phẫu sẽ là nguồn tài liệu hữu ích.
Bước 2: Phân tích cử động
Sau khi nắm được cấu trúc, đặc điểm cơ bản, sinh viên cần học cách phân tích cử động. Quan sát các đoạn phim hoặc video về con người hoặc động vật di chuyển trong thực tế để hiểu cách các khớp và cơ bắp hoạt động cùng nhau.
Bước 3: Thực hành vẽ anatomy nam và anatomy nữ
Không có cách nào tốt hơn để học anatomy trong hoạt hình ngoài việc thực hành vẽ. Việc vẽ liên tục sẽ cải thiện khả năng của mình. Việc học anatomy giúp cải thiện khả năng vẽ tay. Trong hoạt hình truyền thống, nhân vật phải được vẽ lại nhiều lần cho mỗi khung hình và việc có một nền tảng vững chắc về anatomy giúp giảm bớt thời gian và công sức thực hiện.
Bạn có thể tham khảo thêm: Kỹ thuật vẽ cơ bản
Bước 4: Bắt tay vào thiết kế nhân vật
Khi đã có nền tảng anatomy vững chắc, sinh viên có thể bắt đầu ứng dụng kiến thức vào thiết kế nhân vật trong hoạt hình. Trong môi trường 3D, nhân vật được dựng thành mô hình và cần cử động sát với thực tế để tránh các lỗi như tay xuyên qua cơ thể, chân không tương thích với sàn, hay các phần cơ thể di chuyển không đồng bộ. Anatomy sẽ giúp tạo ra các khung xương (rig) và hình ảnh động (animation) chính xác và chuyên nghiệp hơn.
Anatomy là kiến thức quan trọng trong nghệ thuật
Anatomy là kiến thức quan trọng không thể thiếu trong quá trình sáng tạo và sản xuất phim hoạt hình. Dù là trong hoạt hình truyền thống hay hoạt hình 3D hiện đại, việc học và nắm vững anatomy sẽ là nền tảng vững chắc cho bất kỳ nghệ sĩ nào muốn phát triển sự nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo đầy cạnh tranh này.
Nếu có bất kỳ câu hỏi cũng như thắc mắc cần giải đáp, hãy liên hệ ngay với SAMA ngay hôm nay nhé!