2024-04-27 08:13:46
Bởi: SAMA
300 lượt xem
Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất (HIFF 2024) đã khép lại với nhiều hoạt động dành cho cả giới chuyên môn và công chúng. Trong đó, 2 hội thảo diễn ra với sự góp mặt của nhiều chuyên gia đã khai thác những chủ đề “nóng” của ngành phim hoạt hình.
HIFF là liên hoan phim được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh nghệ thuật điện ảnh. Đây là dịp cho các nhà làm phim trẻ giao lưu và chia sẻ các tác phẩm của mình đến những người chung niềm yêu thích và tìm kiếm cơ hội đầu tư. Đồng thời, là sân chơi bổ ích để khám phá sự kỳ diệu của bộ môn nghệ thuật thứ bảy với đa dạng các hoạt động: Chợ dự án, Triển lãm, Vườn ươm kịch bản...
Trong khuôn khổ liên hoan phim, các khách tham dự đã có cơ hội gặp gỡ đạo diễn Koreeda, đạo diễn Kim Jee-woon - những tên tuổi lớn của điện ảnh châu Á tại các buổi workshop dành cho các nhà làm phim trẻ. Đây không chỉ là những buổi giao lưu mà còn là những buổi chia sẻ chuyên sâu (masterclass) về câu chuyện làm nghề.
Đặc biệt, giới sáng tạo Việt nói chung và ngành hoạt hình nói riêng đổ dồn sự chú ý vào 2 buổi hội thảo chia sẻ kiến thức và thông tin liên quan tới sự phát triển của hoạt hình Việt Nam.
Hội thảo thứ nhất có tên gọi Vietnamese Animation and VFX Global Market Opportunity - (tạm dịch: Hoạt hình Việt Nam và Cơ hội thị trường toàn cầu). Tại đây, diễn giả - bà Thương Vũ - Giám đốc kiêm Hiệu trưởng Học viện Đào tạo Hoạt hình quốc tế đã trình bày về tiềm năng của nguồn nhân lực trẻ trong ngành hoạt hình Việt Nam cùng sự phát triển mạnh mẽ của các đơn vị sản xuất trong nước là minh chứng rõ ràng cho việc chúng ta đã đủ nguồn lực tham gia thị trường điện ảnh quốc tế. Bộ phim chiếu rạp đầu tiên được sản xuất 100% bởi đội ngũ người Việt và đầu tư hoàn toàn bởi doanh nghiệp Việt Nam SCONNECT - Wolfoo và Hòn đảo kỳ bí chính là thành quả rõ ràng nhất cho bước đi đột phá của hoạt hình Việt Nam.
Tuy còn gặp nhiều thách thức song đây là bước đệm thúc đẩy sự phát triển của toàn ngành với kỳ vọng, nhiều bộ phim hoạt hình “100% make in Vietnam” được ra đời với chất lượng cao, sẵn sàng chinh phục thị trường quốc tế.
Tiếp nối sự hưởng ứng của những người yêu hoạt hình Việt, ngày 9/4, tại Global Film Festival 101 được tổ chức ở Thirsty Hall, trong phiên tọa đàm về chủ đề International Perspectives: Intellectual Property in a Global Film Industry - (tạm dịch: Góc nhìn quốc tế: Sở hữu trí tuệ trong bối cảnh ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu), các diễn giả đã có nhiều chia sẻ xoay quanh vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm đảm bảo quyền lợi khai thác thương mại các sản phẩm của những nhà sản xuất phim.
Trường hợp thắng kiện của chú sói Wolfoo khi cạnh tranh với đối thủ nước ngoài là một trong những ví dụ nổi bật của việc các nhà sản xuất cần có nhận thức, chuẩn bị kỹ về tính pháp lý của các sản phẩm trí tuệ để có đủ cơ sở trong mọi tình huống. Bên cạnh đó, đại diện của SCONNECT và các diễn giả đã mở rộng bàn luận không chỉ xoay quanh vấn đề cơ sở pháp lý mà còn về xây dựng hệ sinh thái toàn diện từ sản xuất, quản lý, khai thác thương mại bao gồm cả xuất khẩu và nhập khẩu các tài sản trí tuệ với mục tiêu có nền tảng vững mạnh cho năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Sau trường hợp của SCONNECT, vấn đề sản xuất và phát hành phim đã được quan tâm và có nhiều chính sách đã được ban hành để khuyến khích và bảo vệ quyền sáng tác của những nhà làm phim trong nước.
Uỷ ban nhân dân thành phố đã ban hành “Đề án về Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030”, trong đó, ngành công nghiệp điện ảnh được xác định là ngành trọng tâm với tốc độ phát triển trung bình 12%/năm, ước tính có thể đạt hơn 5.000 tỷ và đóng góp khoảng 0,4% GRDP vào năm 2025.
Sự kiện có sự tham gia của các khách mời uy tín trong ngành như ông Yuno Choi - nhà sản xuất đến từ Anh Teu Studio với bộ phim Tiệc trăng máu từng gây sốt phòng vé, ông Chuong Bui - luật sư tại Entertainment Attorney, Counsel of Creators (Mỹ) và ông Ken Dat Duong - Giám đốc điều hành của Duong Global Business Consulting Group (Mỹ).
Đại diện cho đơn vị tiên phong đào tạo ngành hoạt hình theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam, bà Thương Vũ bật mí về lộ trình Học viện SAMA đồng hành cùng các học viên - sinh viên hiện thực hóa ước mơ mang thương hiệu hoạt hình Việt vươn xa toàn cầu nhờ sức mạnh của nguồn nhân lực Gen Z chất lượng cao.
Ngoài hoạt động chuyên môn dành cho nhà làm phim, HIFF còn có chuỗi hội thảo chuyên đề về phát triển điện ảnh Đông Nam Á, Chiến lược phát triển điện ảnh TP.HCM thảo luận từ các vấn đề vĩ mô liên quan tới phát triển chính sách, ngoại giao văn hoá thông qua điện ảnh tới những vấn đề thiết thực trong hợp tác và sản xuất phim.
Xuyên suốt trong chương trình Liên hoan phim Quốc tế TP.HCM lần thứ nhất, nhiều sự kiện nổi bật đã được diễn ra. Bằng sự tận tâm và nhiệt huyết của đội ngũ sản xuất, chương trình đã mang đến một không gian vui chơi, giải trí và học hỏi mang tầm quốc tế để các nhà làm phim, nghệ sĩ và chuyên gia được thỏa sức theo đuổi đam mê.
https://vnmedia.vn/giai-tri-so/202404/hoi-thao-ve-hoat-hinh-viet-nam-tai-lhp-quoc-te-lan-thu-i-tphcm-mo-xe-nhung-van-de-nong-a0534cb/
Trả lời
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *